RSS

CHÙA DÂU – BẮC NINH

27 Th6

Chùa Dâu thuộc thôn Khương Tự (còn gọi là làng Dâu), xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Đặc điểm: Là ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam, được khởi dựng vào đầu thế kỷ thứ 3.

dâu 1

Từ những thế kỷ đầu công nguyên, chùa Dâu đã là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng trong nước và ngoài nước. Từ cuối thế kỷ thứ 4, Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi đã mở đạo tràng thuyết pháp tại chùa, lập nên thiền phái đầu tiên ở Việt Nam.

Chùa được ông Mạc Ðĩnh Chi đứng ra dựng lại với qui mô lớn vào thế kỷ 14, và trùng tu nhiều lần ở các thế kỷ tiếp theo.

dâu 2

Tượng Pháp Vân chùa Dâu, phía trước là hộp đặt Thạch Quang Phật

Ban đầu chùa có tên là Pháp Vân Tự , theo sự tích dân gian :

Năm 12 tuổi, Man Nương được bố mẹ đưa vào chùa Linh Quang (thuộc huyện Tiên Sơn ngày nay) để tu. Một hôm Man Nương đang nằm ngủ, nhà sư Khâu Đà La vô tình bước ngang qua người. Bà Man Nương có mang, sau 14 tháng thì sinh ra một cô con gái. Trước khi về Tây Trúc (Ấn Độ), ông Khâu Đà La đã trao cho Man Nương một cây gậy tầm xích dặn là khi nào hạn hán mang ra cắm xuống đất sẽ cứu được mọi sinh linh. Còn em bé gái, nhà sư niệm chú rồi gửi vào một hốc cây dâu bên bờ sông Thiên Đức.

Sau khi sư về Tây Trúc, hạn hán kéo dài ba năm. Man Nương liền dùng gậy tầm xích cắm xuống đất. Nước phun lên tràn ngập. Rồi tiếp đó là một trận mưa to khủng khiếp. Cây dâu bị đổ trôi về thành Luy Lâu. Thái thú Sĩ Nhiếp cho quân kéo lên mà không được. Bà Man Nương ra sông giặt yếm, nhìn thấy cây dâu chợt nhớ đến con liền gọi: “Có phải con của mẹ thì vào đâỵ” Cây dâu từ từ trôi vào. Bà Man nương dùng dãi yếm kéo cây lên bờ, cho xẻ tạc thành bốn tượng Phật gọi là tứ pháp, đặt phật hiệu là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tượng trưng cho mây, mưa, sấm, chớp. Khi tạc đến khúc giữa, những người thợ gặp phải hòn đá. Họ ném hòn đá xuống sông. Ban đêm, lòng sông sáng rực lên. Thì ra đó là người con gái của Khâu Đà La gửu vào cây dâu đã hóa đá. Bà Man Nương đi thuyền ra sông thì hòn đá nhảy vào thuyền. Bà đưa lên thờ, gọi là đức Thạch Quang (đá toả sáng). Man Nương sau được tôn là Phật mẫu, tu ở chù Tổ (Mãn xá), còn tứ pháp được thờ ở bốn chùa khác nhau trong cùng một khu vực.

Các đời vua của các triều đại xa xưa đã từng về chùa Dâu để rước tượng Pháp Vân về chùa Báo Thiên (Hà Nội) để cầu đảo (tức cầu mưa cầu gió). Vua Lý Thánh Tông cũng đã về chùa cầu tự, khi đi thuyền trên sông đã gặp nguyên phi Ỷ Lan. Chùa Dâu được coi là một ngôi chùa rất thiêng nên được gọi là chùa Diên Ứng (diên là câu, ứng là hiệu, tức cầu gì được nấy).

Cũng như nhiều chùa chiền trên đất Việt Nam, chùa Dâu được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Bốn dãy nhà liên thông hình chữ nhật bao quanh ba ngôi nhà chính: tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Tiền đường của chùa Dâu đặt tượng Hộ pháp, tám vị Kim Cương; Gian thiêu hương đặt tượng Cửu Long, hai bên có tượng các vị Diêm Vương, Tam châu Thái tử, Mạc Đĩnh Chi. Thượng điện để tượng Bà Dâu (Pháp Vân), Bà Đậu (Pháp Vũ), và các hầu cận. Các pho tượng Bồ tát, Tam thế, Đức ông, Thánh tăng được đặt ở phần hậu điện phía sau chùa chính.

Một trong những ấn tượng khó có thể quên được ở nơi đây là những pho tượng thờ. Ở gian giữa chùa có tượng Bà Dâu, hay nữ thần Pháp Vân, uy nghi, trầm mặc, màu đồng hun, cao gần 2 m được bày ở gian giữa. Tượng có gương mặt đẹp với nốt ruồi to đậm giữa trán gợi liên tưởng tới những nàng vũ nữ Ấn Độ, tới quê hương Tây Trúc. Ở hai bên là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ. Phía trước là một hộp gỗ trong đặt Thạch Quang Phật là một khối đá, tương truyền là em út của Tứ Pháp.

Do chùa Đậu (Bắc Ninh) bị Pháp phá hủy, nên tượng Bà Đậu (Pháp Vũ) cũng được đưa về thờ ở chùa Dâu. Tượng Pháp Vũ với những nét thuần Việt, đức độ, cao cả. Những tượng này đều có niên đại thế kỷ 18.

Bên trái của thượng điện có pho tượng thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tượng được đặt trên một bệ gỗ hình sư tử đội tòa sen, có thể có niên đại thế kỷ 14.

Giữa sân chùa trải rộng là cây tháp Hòa Phong. Tháp xây bằng loại gạch cỡ lớn ngày xưa, được nung thủ công tới độ có màu sẫm già của vại sành. Thời gian đã lấy đi sáu tầng trên của tháp, nay chỉ còn ba tầng dưới, cao khoảng 17 m nhưng vẫn uy nghi, vững chãi thế đứng ngàn năm. Mặt trước tầng 2 có gắn bảng đá khắc chữ “Hòa Phong tháp”. Chân tháp vuông, mỗi cạnh gần 7 m. Tầng dưới có 4 cửa vòm. Trong tháp, treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817. Có 4 tượng Thiên Vương cao 1,6 m ở bốn góc. Trước tháp, bên phải có tấm bia vuông dựng năm 1738, bên trái có tượng một con cừu đá dài 1,33 m, cao 0,8 m. Tượng này là dấu vết duy nhất còn sót lại từ thời nhà Hán.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, chùa Dâu và hội Dâu vẫn luôn là điểm đến của Phật tử cả nước. Du khách đến với chùa Dâu như về với cội nguồn của đạo Phật nước Nam, để cầu khẩn một sự bình yên trong tâm hồn như cái tên bình dị, mộc mạc của ngôi chùa cổ trên đất Bắc Ninh.

Thuyngakhanhhoa tổng

MỤC LỤC  – KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO

*MỤC LỤC – CÁC NGÔI CHÙA TẠI MIỀN BẮC


 

Nhãn: , , , , , , , , , , , , , , , , , , , ,

Bình luận về bài viết này