RSS

HỘI QUÁN CỦA NGƯỜI HOA Ở PHAN THIẾT

22 Th1

Cuối thế kỷ 17, cùng với những cuộc di dân từng đợt của người Hoa đi tìm đất lập nghiệp, một bộ phận người Hoa đã dừng chân ở cửa biển Phú Hài, trải dài đến Hàm Nhơn (thị trấn Phú Long bây giờ), nơi đây hình thành một cửa biển buôn bán, trao đổi sầm uất với thương thuyền nước ngoài.

Do hoàn cảnh lịch sử và những cuộc di dân ngày càng đông, người Hoa chuyển dần về Phan Thiết (cách Phú Hài 7km). Ngoài công việc buôn bán làm ăn, lo đời sống kinh tế hàng ngày, người Hoa vẫn bảo lưu được truyền thống tín ngưỡng riêng của mình. Để duy trì đời sống tín ngưỡng, họ đã lập các hội quán của từng bang, hiện nay người Hoa ở Phan Thiết có 4 bang hội lớn là: Quảng Triều, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam. Hầu hết các hội quán của người Hoa được xây dựng vào thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, thường thì các hội quán người Hoa có lối kiến trúc như sau:

Ngoài cổng Tam quan có tên riêng của từng hội quán (tên thường được đắp bằng xi măng chữ nổi), mái lợp ngói âm dương, đỉnh nóc có trang trí hình tượng “Lưỡng long chầu nguyệt”, đồng thời khắc họa những hình ảnh mang điển tích xưa như: Bát tiên quá hải, phước lộc thọ, tứ linh (long, lân, quy, phụng), các mảng trang trí trên đều được điêu khắc, chạm trổ hoa văn cầu kỳ, công phu. Bên trong có gắn các câu liễn, câu đối, hoành phi, nội dung là dạy con người ta ăn ở hiền hòa, tu nhân tích đức, tất cả được chạm khắc trên các loại gỗ quý. Hội quán thường là nơi lưu giữ các bài vị của tiền nhân hay các bài vị của những người trong bang hội không còn người thân mà vì lý do nào đó lưu lạc, đi làm ăn xa. Ngoài ra, còn có hội quán thờ các vị thần thánh như: Phước Đức Chánh Thần (ông Bổn) ở Hội quán Phúc Kiến; 108 vong linh người Hoa tử nạn năm 1875 khi thuyền buôn của họ bị đắm ở Hội quán Hải Nam. Mỗi năm ngoài giỗ chạp, các hội quán có tổ chức lễ mang tính chất đặc trưng riêng của từng bang như: Tết nguyên tiêu (Hội quán Triều Châu), tất cả người trong bang dự đông đủ (có mời đại diện các bang khác tới dự). Trong dịp lễ, họ quây quần bên nhau, ca hát, chơi “đố thai” với ý nghĩa trời đất, vũ trụ, kể nhau nghe chuyện làm ăn, nghề nghiệp, thăm hỏi sức khỏe đầu năm. Tiết Đông chí (Hội quán Quảng Đông, Phước Kiến), lễ cúng 108 vị thánh (Hội quán Hải Nam). Sau khi nghi thức cúng lễ kết thúc, họ tổ chức bầu mới một hội trưởng để lo công việc trong hội.

Ngoài các hội quán kể trên, cần phải nhắc tới Quan Đế Miếu (chùa Ông), chức năng thờ tự chính là thờ Quan Công (Quan Thánh đế quân). Ngôi miếu này do công sức bà con người Hoa tạo dựng nên, được xây dựng vào năm 1778. có thể xem Quan Đế Miếu là trung tâm mà các hội quán là những vệ tinh xoay xung quanh. Về mặt kiến trúc, Quan Đế Miếu vẫn bảo lưu được nét độc đáo riêng của mình, mang đậm tín ngưỡng dân gian người Hoa. Đây là một trong những di tích văn hóa được Sở Du lịch Bình Thuận đưa vào tour tham quan chính thức.

MỤC LỤC – BÌNH THUẬN –  PHAN THIẾT


 

Nhãn: , , , , , , ,

Bình luận về bài viết này