RSS

Tag Archives: DI SẢN THẾ GIỚI

LĂNG KHẢI ĐỊNH ( ỨNG LĂNG )

LĂNG KHẢI ĐỊNH

Vua khải Định tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo , sinh ngày 8-10-1885 ( 1/9 Ất dậu ) là con trai trưởng của vua Đồng Khánh.Sau khi vua Duy tân bị đày đi Phi Châu , người Pháp đưa Bửu Đảo lên ngôi vua ở tuổi 31 , trở thành vị vua thứ 12 của triều Nguyễn , lấy niên hiệu Khải Định.

Lăng Khải Định (còn gọi là Ứng Lăng) là lăng mộ của vua Khải Định (1885-1925), vị vua thứ 12 của triều Nguyễn, toạ lạc trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) bên ngoài kinh thành Huế.

Từ khi lên ngôi , vua Khải Định dành nhiều công sức để lo việc xây dựng cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và hoàng tộc như điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, đặc biệt là Ứng Lăng. Mà quên đi trách nhiệm của vị Thiên tử , giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân pháp , chấn hưng kinh tế nước nhà . Khải Định trị vì được 9 năm đến năm 1925 thì băng hà , thọ 40 tuổi . Vua Khải Định chỉ có một người con là vua Bảo Đại .

Để xây dựng sinh phần cho mình, Khải Định đã tham khảo nhiều tấu trình của các thầy địa lý cuối cùng đã chọn triền núi Châu Chữ làm vị trí để xây cất lăng mộ. Ở vị trí này, lăng Khải Định lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm tiền án; lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”; có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm “thủy tụ”, gọi là “minh đường”. Nhà vua đổi tên núi Châu Chữ – vừa là hậu chẩm, vừa là “mặt bằng” của lăng – thành Ứng Sơn và gọi tên lăng theo tên núi là Ứng Lăng.

Lăng khởi công ngày 4 tháng 9 năm 1920 do Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá là người chỉ huy và kéo dài suốt 11 năm mới hoàn tất. Tham gia xây dựng lăng có rất nhiều thợ nghề và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng… Để có kinh phí xây dựng lăng, vua Khải Định đã xin chính phủ bảo hộ cho phép ông tăng thuế điền 30% trên cả nước và lấy số tiền đó để làm lăng. Hành động này của Khải Định đã bị lịch sử lên án gay gắt

So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có diện tích rất khiêm tốn hơn: 117 m × 48,5 m nhưng cực kỳ công phu và tốn nhiều thời gian. Để xây lăng, Khải Định cho người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise…, cho thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh màu… để kiến thiết công trình.

Về tổng thể, lăng là một khối hình chữ nhật vươn lên cao có 127 bậc cấp. Sự xâm nhập của nhiều trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique… đã để lại dấu ấn trên những công trình

Điều này là kết quả của hai yếu tố: sự giao thoa văn hóa Đông – Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cá tính của Khải Định.

Vào lăng phải vượt qua 37 bậc cấp hai bên thành đắp rồng rất lớn , trên sân có hai dãy Tả- Hữu tong tự , ở hai bên xây kiểu chồng diêm hai lớp , tám mái , nhưng các vì kèo được làm bằng xi măng cốt thép . Vượt 29 bậc nữa đến bái Đình ( sân chầu ) , giữa là nhà bia xây kiểu bát giác , chất liệu bê tông cốt thép , phong cách cổ kim , trong đặt bia đá . Hai bên sân , mổi bên có hai hàng tượng hướng mặt vào giữa sân. Bên những bức tượng với hình dáng giống như tượng ở các lăng khác , có thêm 6 cặp tượng lính túc vệ được đặt đối xứng . Các tượng này làm bằng đá hiếm và đều có khí sắc . hai cột trụ biểu cao to , rất uy nghi . Trên cùng là điện thờ , từ bái Đình lên khu điện thờ phải qua 15 bậc nửa . Điện khải Thành là phòng chính của cung Thiên Định , liên hoàn với nhau , toàn bộ nội thất ba phòng giữa ở cung thiên Định đều trang trí phù điêu ghép bằng gốm, sứ hay thủy tinh màu , trên trần là bức tranh cửu long ẩn hiện trong mây , trên các bức tường đều trang trí tranh ghép kính sứ , dưới nền lát gạch men hoa , tạo nên một không gian nghệ thuật .

Toàn bộ trang trí bên trong cung Thiên Định không chỉ phản ánh những giá trị văn hóa, nghệ thuật mà còn đề cập đến vấn đề nhận thức, chủ đề tư tưởng của công trình và ý muốn của nhà vua. Bên cạnh các đồ án trang trí rút từ các điển tích Nho giáo và cuộc sống của chốn cung đình, còn có những đồ án trang trí của Lão Giáo và đặc biệt là hàng trăm chữ Vạn – một biểu trưng của nhà Phật được đắp bằng thủy tinh xanh trên tường hậu tẩm. Phải chăng đó là sự thể hiện “Tam Giáo đồng hành” trong tư tưởng của vua quan và Nho sĩ đương thời? Phải chăng nhà vua cũng mong muốn được thư nhàn lúc về già và được nhập Niết Bàn, được siêu thoát sau khi băng hà ? Hay đó là sự bế tắc về tư tưởng của Khải Định nói riêng và tầng lớp quan lại thuở đó. Tất cả là những gợi mở đầy thú vị để du khách chiêm nghiệm mỗi khi tham quan công trình này.

Người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Định là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của 3 bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất Việt Nam được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định. Nhờ những đóng góp của ông và bao nghệ nhân dân gian tài hoa của nước Việt, lăng Khải Định đã trở thành biểu tượng, đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh.

Cho dù bị lên án dưới nhiều góc độ khác nhau, lăng Khải Định đích thực là một công trình có giá trị về mặt nghệ thuật và kiến trúc. Nó làm phong phú và đa dạng thêm quần thể lăng tẩm ở Huế, xứng đáng với đôi câu đối đề trước Tả Trực Phòng trong lăng:

“Tứ diện hiến kỳ quan, phong cảnh biệt khai vũ trụ.

Ức niên chung vượng khí, giang sơn trường hộ trừ tư.

(Bốn mặt đều là kỳ quan, phong cảnh mở ra một vũ trụ biệt lập.

Muôn năm hun đúc nên vượng khí, núi sông giúp đỡ mãi hoài).”

Phòng sau của điện Khải Thành là Chính Tẩm . Một cái bửu tán mềm mại như bay trong gió , nhưng ít ai biết được rằng nó được làm bằng bê tông cốt thép chứ không phải là nhung lụa . Dưới bửu tán là tượng vua Khải Định bằng đồng kích thước bằng người thật , đúc tại Pháp năm 1920 . Tượng do 2 người Pháp là P.Ducing và F. Barbedienne thực hiện theo yêu cầu của vua Khải Định. Thi hài nhà vua được đưa vào dưới pho tượng bằng một toại đạo dài gần 30m, bắt đầu từ phía sau Bi Đình. Phía sau ngôi mộ, vầng mặt trời đang lặn như biểu thị cái chết của vua. . Trong cùng là khám bài thờ đặt bài vị của ông .

Lăng Khải Định là một công trình kiến trúc nghệ thuật khác hẳn với phong cách lăng tẩm của các vua triều Nguyễn trước đó . Đây là một công trình có giá trị lịch sử -kiến trúc- nghệ thuật ở giai đoạn đầu thế kỷ 20.

Trang Di Sản Huế

 

 

MỤC LỤC – DI SẢN THẾ GIỚI


 

Nhãn: , , , , , , , , , , ,